Tin Viện Tài chính - Ngân hàng

Chuyên ngành Ngân hàng FBU – Gắn học với hành, gắn nhà trường với doanh nghiệp

CHUYÊN NGÀNH NGÂN HÀNG FBU- GẮN HỌC VỚI HÀNH, GẮN NHÀ TRƯỜNG VỚI DOANH NGHIỆP

Phát triển đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng là một trong những đổi mới quan trọng của giáo  dục Việt Nam hơn 10 năm qua, trong đó xác định rõ giá trị yêu cầu của việc gắn kết giữa học tập và thực hành trong quá trình đào tạo.  Nâng cao chất lượng “sản phẩm” đào tạo, cụ thể là chất lượng sinh viên tốt nghiệp luôn là mục tiêu của trường Đại học tài chính Ngân hàng Hà Nội (FBU). Chuyên ngành Ngân hàng- FBU trong 6 năm qua đã luôn kiên trì thực hiện phương châm: Gắn học với hành, gắn nhà trường với doanh nghiệp.

  1. Chương trình hợp tác toàn diện với các NHTM

Sinh viên chuyên ngành Ngân hàng từ khi mới bước chân vào trường, đến trước khi đi thực tập tốt nghiệp, sinh viên sẽ được tham gia vào các chương trình trải nghiệm thực tế tại các Ngân hàng thương mại .

Ngày 19 tháng 11 năm 2014, FBU ký thỏa thuận hợp tác toàn diện Vietinbank School trong lĩnh vực Ngân hàng, tiếp nối FBU và Bộ môn Ngân hàng đã mở rộng hợp tác với nhiều đối tác khác như: Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính ( BTCI), với các Ngân hàng Tienphong Bank (TP Bank), Techcombank, VIB Bank, VP Bank, Sea Bank, NCB Bank, Sacombank…

Thứ nhất: Chương trình kiến tập tại Vietinbank: dành cho sinh viên năm thứ nhất

Sinh viên khi lựa chọn chuyên ngành Ngân hàng có thể chưa hiểu biết hết về sự lựa chọn của mình. Lựa chọn của mình có đúng không? Không có gì phải lo ngại, sinh viên sẽ có câu trả lời ngay khi được tham gia chương trình kiến tập tại Vietinbank School. Tại đây sinh viên sẽ được các cán bộ, các chuyên gia Vietinbank chia sẻ về ngành Ngân hàng: xu hướng phát triển của ngành, thu nhập trong ngành, quy mô, hệ thống của các NH ở Việt Nam hiện nay, các hoạt động cơ bản của NHTM, cơ cấu tổ chức: các phòng, các vị trí trong một chi nhánh Ngân hàng.

Đồng thời sinh viên cũng được đi thực địa tại 1 chi nhánh Ngân hàng mini, tìm hiểu cụ thể về các vị trí cơ bản sau này sinh viên sẽ ứng tuyển tại các Chi nhánh NHTM như: Cán bộ Quan hệ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; Cán bộ thẩm định, Tài trợ thương mại; Giao dịch viên và một số vị trí khác. Sinh viên được xem và nghe giới thiệu về chức năng nhiệm vụ, phần mềm sử dụng, chứng từ tác nghiệp..

Sinh viên được tham gia một trò chơi vận động theo nhóm,  thông qua trò chơi sinh viên sẽ biết và hiểu được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần có tương ứng với từng vị trí công việc.

Qua buổi kiến tập thiết thực đã giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn về ngành Ngân hàng, định hướng được những vai trò và vị trí công việc mà trong tương lai có thể đảm nhiệm sau khi ra trường. Đồng thời buổi kiến tập đã cho sinh viên câu trả lời về chuyên ngành Ngân hàng, đó là một sự lựa chọn sang suốt, và sinh viên cũng biết được những học phần quan trọng mình cần học để phục vụ cho chuyên ngành của mình.

SV năm nhất- K7 Ngân hàng đi kiến tập tại VietinbanSchool

Thứ hai: Chương trình học thực hành nghiệp vụ tại Vietinbank

Sang năm thứ 3, sau khi đã học xong các học phần nghiệp vụ và kỹ năng nghiệp vụ, sinh viên Ngân hàng sẽ được tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ tại Vietinbank về: Kỹ năng thâm định tín dụng khách hàng cá nhân, Kỹ năng thẩm định khách hàng doanh nghiệp, Kỹ năng giao dịch của Giao dịch viên. Sinh viên sẽ được học và thực hành dưới sự hướng dẫn của các cán bộ, lãnh đạo, chuyên gia cao cấp của Vietinbank.

Sinh viên sẽ được cán bộ Vietinbank hướng dẫn về kỹ năng thẩm định tín dụng, về giao dịch;  thực hành thẩm định một bộ hồ sơ tín dụng thực tế hoàn chỉnh, được các lãnh đạo, chuyên gia cao cấp chia sẻ ý kiến về kết quả của bài tập thực hành, quan điểm của các nhóm về hồ sơ đã thẩm định, đồng thời các lãnh đạo Vietinbank cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế quý báu hvề kỹ năng thẩm định tín dụng, kỹ năng giao dịch với khách hàng.

Qua các khóa học thực hành nghiệp vụ, sinh viên đều đánh giá đây là khóa học rất bổ ích, thú vị, rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, giúp cho sinh viên có thêm nhiều kiến thức thực tế, giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn công việc của mình sau này, đồng thời cũng giúp cho sinh viên củng cố kiến thức, tự tin ứng tuyển vào các NHTM.

Tham gia khóa đào tạo” Thẩm đinh tín dụng Khách hàng cá nhân” tại Vietinbank School

Thực hành Thẩm định KHCN- Lãnh đạo cao cấp Vietinbank chia sẻ với SV Ngân hàng FBU

Thứ 3: Chương trình Bank Visit tại các NHTM- dành cho sinh viên năm 4

Chương trình rất được mong chờ của sinh viên Ngân hàng, nơi mở ra cho sinh viên năm 4 Ngân hàng với những cơ hội việc làm ở ngay trong tầm tay: cơ hội được tuyển dụng làm thực tập sinh, được gọi phỏng vấn tuyển dụng chính thức sau này…

Sau khi đã có những hiểu biết về các kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng, quản trị, được trang bị thêm những khóa thực hành nghiệp vụ tại Vietinbank, đầu năm 4 sinh viên Ngân hàng được tham gia các buổi Bank Visit tại các chi nhánh Ngân hàng thương mại như: Tienphong Bank (TP Bank), Techcombank, VIB Bank, VP Bank, Sea Bank, NCB Bank…. Với 5 nội dung của một buổi Bank Visit, cũng chính là 5 bước để trở thành một Banker: Tham quan ngân hàng- Kết nối thông tin, nắm bắt cơ hội- CV sẵn sang, Apply thần tốc- Chinh phục thử thách( phỏng vấn thử)- Cẩm nang vào nghề. Tại đây sinh viên sẽ được các lãnh đạo các phòng ban Trụ sở chính, lãnh đạo các chi nhánh đón tiếp và trao đổi, chia sẻ với các em sinh viên về các vị trí công việc của chi nhánh, với một tâm thế của sinh viên sắp ra trường, sinh viên tập trung cao độ để lắng nghe cũng như hình dung được vị trí công việc mà mình mong muốn được làm việc. Đồng thời, các anh chị lãnh đạo chia sẻ với các bạn sinh viên những kinh nghiệm quý báu khi tuyển dụng, kinh nghiệm vượt qua những khó khăn của những năm đầu làm việc tại Ngân hàng, cũng như giúp các bạn sinh viên vạch ra cho mình con đường đi trong tương lai….Tại các buổi Bank Visit, sinh viên chinh phục thử thách bằng thử sức với cuộc phỏng vấn tuyển dụng với Hội đồng phỏng vấn và các câu hỏi phỏng vấn được Hội đồng đẩy mức độ khó lên cao bằng việc giải quyết các tình huống trong thực tế, như những cuộc thi tuyển thật.

Qua các buổi Bank Visit, sau những cuộc trao đổi, trò chuyện, nhiều bạn sinh viên đã nhận được các lời mời từ các Ngân hàng làm thực tập sinh hay phỏng vấn chính thức để ký hợp đồng thử việc…, bên cạnh đó sinh viên cũng chủ động tạo cho mình những mối quan hệ với các cán bộ ngân hàng để liên hệ địa điểm thực tập tốt nghiệp và cho tương lai.

Đến nay, Bộ môn Ngân hàng đã tổ chức được 22 lớp Kiến tập tại Vietinbank, 8 lớp thực hành nghiệp vụ Kỹ năng thẩm định tín dụng KHCN và GDV, 9 lớp đào tạo nghề ngân hàng và Bank visit.

SV Ngân hàng K3 đi BankVisit tại SeaBank

SV Khóa 5 chuyên ngành Ngân hàng đi Bank Visit tại NCB

  1. Phương pháp và kỹ thuật giảng dạy chuyên ngành.

Sinh viên chuyên ngành Ngân hàng được học tập trong một môi trường hiện đại với những phương pháp và kỹ thuật giảng dạy hiện đại: như bố trí phòng học theo nhóm, làm việc nhóm, kỹ thuật giảng dạy: khăn trải bàn, XYZ, 531, Brain Storming… với đầy đủ các công cụ hỗ trợ giảng dạy ( Flip Chart, giấy Ao, bút dạ, ghim…). Với môi trường học tập này sẽ giúp cho sinh viên thực sự là trung tâm của các giờ học, các giờ học luôn sôi nổi và hào hứng, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phản biện…., tăng cường việc thực thực hành các tình huống nghiệp vụ

Tiết học: Kỹ năng bán dịch vụ Ngân hàng của SV Ngân hàng

Tiết học: Kỹ năng thẩm định tín dụng của SV Ngân hàng

  1. Chương trình đào tạo bám sát với yêu cầu thực tế của các NHTM

Hiện nay các nhà tuyển dụng đều đòi hỏi các ứng viên ngoài kiến thức về nghiệp vụ phải có kỹ năng nghề nghiệp, biết quản lý công việc… để có thể làm việc ngay khi tuyển dụng. Do vậy, chương trình đào tạo chuyên ngành Ngân hàng-FBU ngoài các học phần nghiệp vụ chuyên sâu về Ngân hàng, chương trình còn đưa vào đào tạo các học phần về kỹ năng như: Kỹ năng bán hàng, Kỹ năng thẩm định tín dụng; các học phần quản trị cho chuyên ngành: Quản trị Ngân hàng thương mại ( Quản trị Kế hoạch kinh doanh, quản trị danh mục cho vay, quản trị tiền gửi), Quản trị rủi ro NHTM, Quản trị chất lượng dịch vụ NHTM, Quản trị Marketing NHTM..Các học phần gắn liền với thực tế, giúp cho sinh viên có những kiến thức đáp ứng sát với yêu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng.

Đồng thời, sinh viên Ngân hàng luôn có sự đồng hành của đội ngũ giảng viên chuyên ngành nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm giảng dạy, có kiến thức thực tế, hầu hết giảng viên bộ môn Ngân hàng đều đã từng làm việc tại các NHTM như Vietinbank, VIB Bank, MB Bank nên đã đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình đào tạo cũng như tư vấn, hỗ trợ cho sinh viên trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp.

Thực hiện phương châm gắn học với hành, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, việc gắn kết giữa FBU với các NHTM đã giúp cho sinh viên Ngân hàng có thêm kiến thức, kỹ năng, thêm sự tự tin vào bản thân mình khi đi tuyển dụng và làm việc . Điều quan trọng hơn khi được tận mắt quan sát môi trường làm việc, được trực tiếp trao đổi với các cán bộ Ngân hàng, hình ảnh và tính chuyên nghiệp của mỗi cán bộ Ngân hàng thì giá trị lớn hơn mà mỗi sinh viên khi tham gia vào các chương trình này nhận được đó chính là đã truyền ngọn lửa cho mỗi sinh viên, tạo động lực giúp họ thêm thêm tự tin vào chuyên ngành Ngân hàng mình đã lựa chọn, thêm quyết tâm, cố gắng để  được trở thành một banker đầy ngưỡng mộ và khát vọng như thế.

Có thể nói 4 năm sinh viên chuyên ngành Ngân hàng FBU không chỉ đơn thuần là học tập và rèn luyện, mà 4 năm sinh viên Ngân hàng luôn được trải nghiệm với thực tế sinh động và thú vị để mỗi ngày trôi qua lại làm dày thêm những kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để tự tin theo đuổi những ước mơ, khát vọng của mình, tự tin nói rằng: Tôi là sinh viên Ngân hàng- Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội.

Các tin liên quan